VIẾT VỀ GIA PHẢ CỦA DÒNG HỌ VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, rất nhiều nơi trong nước ta rộ lên việc viết Gia phả của dòng tộc. Họ tộc nào cũng quan tâm đến vấn đề này, nhưng thuỳ theo điều kiện thực tế về nhân sự và tài liệu lưu trữ về dòng họ mình có tồn tại hay không mà việc tiến hành được thuận lợi hay khó khăn. Nói chung họ tộc nào cũng muốn có một quyển gia phả của họ mình để nối liền mạch đời của dòng họ, để cho con cháu biết rõ tổ tông mà lo thờ phụng và tu nhân tích đức, làm tròn bổn phận của con cháu đối với bà con họ hàng đang sinh sống và đối với các vị tiền liệt tổ tiên đã khuất. Dân gian ta có câu: “Chim có tổ, người có tông”, hay : “Uống nước nhớ nguồn”. Bởi vì mỗi người được sinh ra và lớn lên trên quê hương, đất nước mình thì cần phải biết gốc tích tổ tông, bà con họ tộc để duy trì, phát huy các truyền thống tốt đẹp của họ tộc mình mà giáo dục các thế hệ con cháu nối tiếp các đời sau luôn luôn vươn lên biết rèn luyện, phấn đấu trở thành những người tốt của dòng tộc, của quê hương đất nước. Nhất là đối với những người đi làm ăn sinh sống ở xa quê hương, xứ sở lâu năm thì con cháu họ cũng không rõ về bà con họ tộc, làng xóm mình như thế nào nữa. Và cứ thế dần dần họ như những người bị mất gốc tổ tông. Vì vậy việc viết gia phả là điều rất cần thiết để giúp cho mọi người trong gia tộc, họ hàng biết rõ ràng về mối quan hệ dòng dõi huyết thống của các đời con cháu nhằm gắn bó tình thân thiết với nhau được bền lâu hơn.


Ngày nay, việc thực hiện tạo lập một quyển gia phả có nhiều thuận lợi hơn ngày xưa về mặt in ấn, trang trí và trao đổi rút kinh nghiệm qua mạng để biên soạn   gia phả cho mau chóng và có kết quả tốt. Tuy vậy, việc viết thành công một quyển gia phả không phải dễ dàng. Chúng ta phải dày công tìm hiểu kỹ càng về bà con trong từng đời, từng chi nhánh của dòng họ để có được những thông tin, dữ liệu thật chính xác tin cậy mới viết được. Tất nhiên cũng không thể cầu toàn một thời gian ngắn mà có đầy đủ mọi thứ cần thiết mà có những cái có thể bổ sung thêm về sau. Những họ tộc nào đã có sẵn gia phả cũ rồi thì thuận lợi hơn nhiều. Vì đã có cái bản gốc và chỉ bổ sung thêm tỉ mỉ các đời nối tiếp về sau, cũng như phải hoàn chỉnh một số chi tiết còn thiếu ở các đời trước mà nay đã tìm được những cứ liệu chính xác thì nên đưa vào.


Muốn thực hiện được điều đó một cách khách quan, công bằng và toàn diện thì trước tiên họ tộc phải họp lại và đề cử ra một ban biên tập (nếu chưa có gia phả) hoặc tu chỉnh gia phả (nếu đã có gia phả). Ban này được các chi nhánh của dòng tộc cử ra gồm những người có am hiểu vấn đề và có tinh thần trách nhiệm với họ tộc về việc này.
Theo chúng tôi nghĩ, một quyển gia phả có giá trị là phải đạt được các yêu cầu sau:
1-Về hình thức:
Gia phả phải được trình bày trang trọng, sáng sủa, in rõ ràng, đẹp đẽ, giấy tốt, bìa chắc chắn.
2-Về nội dung:
Cần phải thể hiện đầy đủ các mục ghi cần thiết từ lời nói đầu đến các mục ghi cụ thể nhân sự theo từng đời riêng biệt, rõ ràng, súc tích để lưu truyền lâu dài cho các thế hệ con cháu mai sau.
Trong lời nói đầu của gia phả thì cần nêu cho được ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của việc biên tập hoặc tu chỉnh bổ sung gia phả. Chúng ta không nên trình bày quá rờm rà nhiều chuyện xa xôi để gây bề thế, ấn tượng quan trọng cho gia phả họ mình mà không liên quan mật thiết đến họ tộc ở quê hương. Vì như thế sẽ làm loãng cái ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của vấn đề đặt ra.
Còn việc ghi các nhân sự trong từng đời thì con cháu trai cũng như gái mang họ tộc mình phải ghi theo thứ tự anh chị được ghi trước, em sau. Phải thống nhất ghi như thế từ đầu đến cuối quyển Gia phả mà không được linh động đặc cách cho một đời nào cả, kể cả những người làm quan chức lớn hoặc phân biệt đối xử nam nữ trong gia đình. Chúng tôi đã thấy có một số gia phả lại không ghi theo thứ tự đó mà ghi con cháu trai trước, gái sau. Như thế là không đúng và khó biết được rành mạch các thứ lớp anh chị em con cháu nội ngoại về sau này.


Một điều cần lưu ý rằng, gia phả là để cho toàn thể con cháu trong họ biết nên nội dung cần phải khách quan, trung thực và dung hoà không mang màu sắc chính trị hoặc tôn giáo nặng nề; cũng không nên thêu dệt, đề cao họ tộc mình quá mức làm cho các họ khác trong làng không khâm phục và khó chịu.
Chúng tôi đã đọc tham khảo nhiều quyển gia phả trong và ngoài nước của một số dòng tộc thì thấy rằng có nhiều quyển viết khá tốt, hình thức và nội dung rất hài hoà, chất lượng. Trái lại có những quyển gia phả trông rất đẹp, rất đồ sộ nhưng nội dung thì quá rộng lớn, bắt nguồn từ những đời xa xôi. Như thế, con cháu cảm thấy xa vời mối quan hệ thiết thực gắn bó của dòng tộc ở quê hương. Như gia phả họ Ngô, gia phả họ Lê, gia phả họ Phan, gia phả Nguyễn Phước tộc v.v… Tất nhiên những quyển “Siêu gia phả” đó có giá trị và ý nghĩa rộng lớn của nó. Loại gia phả đó là gia phả “cao cấp” không thiết thực cho các dòng họ lẻ ở khắp các vùng của quê hương đất nước ta ngày nay.
Theo chúng tôi nghĩ, gia phả của dòng tộc chỉ cần ghi trong khoảng từ 15 đến 20 đời là tối đa, không nên viết lùi vào dĩ vãng quá xa xôi sẽ gặp nhiều chỗ hổng khó giải quyết. Trừ một số họ tộc đã có sẵn quyển gia phả cũ nhiều đời rồi thì mới dựa vào đó làm nối tiếp, còn nếu không thì Hội đồng của họ tộc nên bàn bạc thống nhất ý kiến chọn một ông cao tằng tổ nào đó có công với họ tộc để làm mốc đời thứ nhất trong gia phả rồi ghi xuống các đời tiếp theo sau thì cũng tạo được một quyển gia phả có giá trị.


3-Cách ghi trong gia phả: con cháu trai hoặc gái mang họ tộc đều ghi Họ tên, ngày tháng năm sinh, năm mất (ghi theo Âm lịch, chú thêm Dương lịch nếu biết), mồ mả ở xứ nào. Nếu con cháu trai thì vợ họ tên gì, sinh năm nào, con ai ở thôn làng nào, sinh hạ được mấy con (ghi rõ họ và tên các con kèm ngày tháng năm sinh). Nếu là con cháu gái mang họ tộc thì cũng ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, năm mất, gả đi lấy chồng là ai, con cái nhà ai, ở thôn xã nào, có được mấy con, họ tên gì. Đối với con cháu gái chỉ ghi thế thôi là đủ rồi và chấm dứt. Còn con cháu trai thì tiếp tục ghi vào đời kế tiếp theo trong gia phả.


Lưu ý rằng, việc ghi thứ tự tên con cháu phải theo thể lệ gia tộc ngày xưa. Nghĩa là con thì mang họ cha và các con của bà vợ cả phải ghi trước các con của bà vợ sau không kể lớn tuổi hay nhỏ tuổi. Chúng tôi thấy một số quyển gia phả dòng tộc ghi thứ tự đưa con bà vợ hai nhiều tuổi hơn lên trước con bà vợ cả. Như thế là không hợp lệ. Trường hợp có con ngoài giá thú thì ghi sau cùng và có ghi chú là con của ai (nếu cần thiết, vì điều tế nhị mà dấu kín thì thôi).

Trong từng đời của gia phả, phải đánh số thứ tự từng người trên dưới  để dễ tìm kiếm và biết được số lượng chính xác của mỗi đời. Nhưng phải lưu ý rằng, khi ghi tên một người thì ghi kèm bên cạnh là con ông số mấy thuộc đời trước với bà nào. Bởi vì ngày xưa, một ông có thể có 2,3 vợ. Do đó, phải ghi rõ con với bà nào để con cháu về sau biết mối quan hệ bà con bên ngoại.  Như thế sẽ rất thuận tiện cho việc lập một gia phả điện tử hoặc một gia phả hình ảnh khi cần.
Xin nêu cụ thể một ví dụ về cách ghi như sau:
12.Nguyễn Bá Đàm-  Đ7, con trai thứ 2 của ông Khánh -số 16Đ6 (tức là số 16 thuộc đời thứ 6) với bà Lê thị Hoằng.
-Sinh ngày : 12-6 năm  Giáp Ngọ (1894); Mất ngày: 10-3- Tân Hợi (1971).
-Mộ tại xứ: Đồi An Lạc, thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Đã xây lăng có bia mộ cả ông và 2 bà).
      +a.Có vợ đầu là bà  Lê Thị Thướng : con ông Tú phủ Lê Thiếp và bà…?
-Người làng Cổ Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-Sinh ngày:…          năm Quý Tị (1893);   Mất ngày 13-11 năm Nhâm Tý (1912).
-Lăng mộ tại xứ đồi An Lạc, thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Đã xây lăng có bia mộ cả ông và 2 bà).
-Sinh hạ được 1 con trai là Nguyễn Chương 9 -11 năm Nhâm Tý (1912).
    +b. có vợ kế là bà Hoàng Thị Ngữ: con ông Lục phẩm Hoàng Quý và bà…? người làng Hội Yên, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
        -Sinh ngày: ?…năm Ất Mùi (1895); Mất ngày: 12-12 năm Mậu Thân (1968).
        Sinh hạ được 3 trai, 3 gái:
                 -Nguyễn Thị Liễn (Sn: Kỷ Mùi =1919, Mn: N. Thìn= 2012).
                -Nguyễn Thị Thiều (Sn: Tân Dậu =1921; Mn: Canh Thìn =2000).
                -Nguyễn Bá Bân (Sn: Quý Hợi =1923, )
                -Nguyễn Bá Quỳnh (Sn: Ất Sửu = 1925, )
                -Nguyễn Bá Khẹc (Sn: Đinh Mão =1927; Mn: Kỷ Tị = 1929)
                -Nguyễn Thị Ngoãn (Sn: Kỷ Tị = 1929; Mn: Canh Tý = 1960).
   
Ghi chú:Ông Nguyễn Bá Đàm là một thầy thuốc Đông y danh tiếng của huyện Hải Lăng; là người con trai nối nghiệp gia truyền thuốc Đông y của cụ thân sinh Nguyễn Bá Khánh-cựu quan ngự y thời vua Đồng Khánh (1885-1888). Được phong danh hiệu: “Hàn lâm đãi chiếu”
                                                      ====


Trong phần ghi chú, có thể nêu lên một số con cháu có học vấn (như kỹ sư, bác sĩ, ThS,TS, PGS, GS…) và có tài xuất sắc nghề nghiệp (như thợ mộc, thơ may, thợ thêu ren, thợ chạm trổ, thợ đúc mạ, kim hoàn, vận động viên thể thao, cầu thủ, v.v…), một số con cháu học giỏi đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế thì cũng nên ghi chú thêm vào gia phả để khích lệ động viên các thế hệ nối tiếp sau thêm tự hào và noi gương theo. Mặt khác, cũng có thể ghi chú thêm về những nhân vật có sự nghiệp hoạt động chính trị (ghi cấp từ trưởng huyện trở lên), về nghiệp quân sự từ cấp Tá trở lên (cần ghi rõ Tá, Tướng của quân đội Quân đội Nhân Việt Nam hay quân đội Việt Nam Cộng hoà …).


4.Phần sơ đồ: Nên lập một sơ đồ gia phả, hoặc cây gia phả rồi đưa ra sau phần ghi xong cụ thể từng người trong các đời. Phần sơ đồ gia phả hay cây gia phả chỉ ghi tên đàn ông, không ghi tên đàn bà. Phần này phải làm sao cho khoa học, tạo lập thế nào cho dễ xem và hình dung được mối quan hệ bà con thân thuộc họ hàng.


5.Phần phụ lục: Phần này có thể đưa những cứ liệu, biểu đồ, tranh ảnh, văn tự chữ Hán, chữ Nôm còn lưu giữ được từ xưa tới nay có liên quan đến dòng họ để cho bà con trong họ và mọi người tham khảo, tìm hiểu.


Nói chung một quyển gia phả phải thể hiện được tinh thần đoàn kết trong họ tộc. Mọi người khi xem thấy yên lòng và tin cậy lớp con cháu càng về sau càng có nhiều ưu điểm và quý mến lẫn nhau. Dù cho bà con có ở xa hay gần cũng đều có quan hệ gắn bó với nhau trong tình cảm đại gia tộc thuận hoà thân thiết.


Nhìn chung, hiện nay rất nhiều họ tộc đã tạo lập được quyển Gia phả của họ tộc mình hoặc bổ sung tu chỉnh lại cho đầy đủ chính xác một cách thận trọng, chu đáo. Tuy nhiên, cũng có nhiều họ tộc ở làng quê vẫn chưa có điều kiện làm được quyển Gia phả cho đúng nghĩa của nó mà chỉ như là quyển sổ ghi chép lại tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ v.v… của con cháu trong họ để mà biết mối quan hệ bà con dòng tộc mình mà thôi.
Mặt khác, lại có một số ít dòng tộc có khả năng và điều kiện chủ quan và khách quan nhưng lại không có ai có vai vế uy tín trong họ tộc để quan tâm chủ trì vấn đề biên tập hoặc tu chỉnh, bổ sung gia phả thật tích cực, nhiệt tình. Vì thế nên thời gian cứ trôi qua hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng của bà con trong dòng tộc có được một quyển Gia phả cho thật đàng hoàng, tử tế.
Nam


Hy vọng rằng, càng về sau này, người ta sẽ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có thể họ tộc nào cũng tạo lập được một quyển Gia phả của dòng tộc mình một cách đầy đủ, rõ ràng hoành tráng.
           
                                                                N.H.T                      
          
  Phước Vĩnh, TP. Huế, Quý Xuân năm Kỷ Sửu =2009




Ghi chú: 1.Bức ảnh trên là bìa của quyển Gia phả tộc Nguyễn Bá ở làng Phú Long , Hải Phú, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị -đã in ấn lưu hành nội tộc vào năm Nhâm Ngọ =2002. Làng này là xuất xứ từ gốc làng Phú Xuân ở Huế ra lập nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.
2. Bài này đã được đăng trong tạp chí XƯA &NAY số 329 -2009.

 ==========

Làm gia phả, thiết kế cây gia phả, phả đồ các dòng họ


Email: Dichvugiapha@gmail.com
Mr Sơn: 0936 375 511
Cảm ơn các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét