Tổ Tiên Việt Rực Rỡ - Mai Thục

Nhóm sưu tập khảo cứu Tiền sử Việt tộc tiếp tục khẳng định những chứng tích và tư liệu, thư tịch, hình ảnh về Tổ Tiên Dân Tộc Việt Đời Đời Rực Rỡ.

Trên cơ sở hệ thống di vật: khảo cổ, đền, chùa, miếu, phả cổ, lễ hội, phong tục, trồng cấy, vật nuôi… với phương pháp phân tích C14 (phương pháp chuẩn của Thế giới) chúng ta có thể nhận ra sự thật rằng:

Xã hội thời Việt cổ- thời dựng nước- thời đại Hùng Vương, Tổ Tiên dân tộc Việt chúng ta, ngay tại đây- châu thổ sông Hồng, trong buổi bình minh lịch sử nhân loại đã xây dựng thành công một xã hội nhân dân có đời sống vật chất- tinh thần ấm no, hạnh phúc. Xã hội đó đã có những phát minh cực kỳ quan trọng.

Với tấm lòng nhân từ đã thuần hóa vật nuôi. Với ý chí kiên trì, cần cù, óc mẫn tiệp đã xác lập quy trình liên hoàn thuần thục hóa cây lương thực, cây lúa nước để phát triển sản xuất lương thực nuôi sống con người. Đặc biệt quan trọng, trong công nghiệp đã có các phát minh để phát triển công nghệ nguyên liệu khoáng trong lĩnh vực gốm, sứ, đồng để sản xuất các vật dụng phục vụ xã hội. Các bậc cao minh thánh trí đã thiết kế mô hình toàn đồ hiệu ứng trường xoắn vũ trụ để gửi lại cho đời sau nguồn năng lượng vũ trụ quý giá”.

(Sách Sự Thật Gốc Tích Nước Nhà Việt Nam- Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi- Nhóm nghiên cứu thời Tiền sử 8- 2013)

Nhà nghiên cứu trường năng lượng vũ trụ bằng phương pháp “Định vị sinh học” đã nói với chúng tôi về mô hình toàn đồ hiệu ứng trường xoắn vũ trụ trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ:

Chúng tôi đo trường năng lượng phát ra từ tổ hợp hoa văn trên Trống Đồng Ngọc Lũ kết quả rất đặc biệt. Trường năng lượng vũ trụ phát ra từ tổ hợp hoa văn trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ cao hơn hàng ngàn lần các thứ khác”.

Có thể cảm nhận được nguồn năng lượng Trống Đồng khi ta ngồi định tâm trước Trống Đồng với đức tin và tấm lòng trong sạch, thở sâu bốn thì êm, chậm, sâu, đều. Muốn nhận được Hào quang năng lượng vũ trụ và Tổ Tiên, thân tâm ta phải hoàn toàn trong sạch. Khó mà dễ biết bao.

Tổ Tiên trong chính sử

Ngô Sĩ Liên nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ XV. Ông có công lớn trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư - bộ quốc sử chính thống cũ nhất của Việt Nam, được lưu truyền tới ngày nay.

Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay thuộc xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ- Hà Nội).

Kể từ Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hóa, vua thì lấy đức mà cảm hóa dân. Dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm Đế ư?”

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Nước Đại Việt ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh, thế là Trời đã phân chia giới hạn Nam- Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là Trời đã sinh chân chúa. Có thể cùng với Bắc triều, mỗi bên làm đế một phương”.

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Hùng Vương con trai Lạc Long Quân lên ngôi đặt Quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Hồ Động Đình) Nam giáp nước Hồ Tôn (tức Chiêm Thành, nay là Quảng Nam). Chia nước làm 15 bộ. Bộ Văn Lang là nơi vua đóng đô

(Đại Việt sử ký toàn thư)

“Kíp đến Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược, căm giận Tô Định, chính lệnh hà khắc tàn ngược, tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, cho nên lấy lại được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt”.

(65 thành từ Nam sông Dương Tử về giáp nước Hồ Tôn)

( Đại Việt Sử ký toàn thư)

Dấu tích Tổ Tiên phía Tây châu thổ sông Hồng

Hai chục năm có lẻ, cố PGS Đỗ Tòng cùng nhóm nghiên cứu Tiền sử, đã tập trung trí tuệ, thời gian, công sức, chi tiền cá nhân để sưu tầm, nghiên cứu, tổng hợp bộ Sưu tập, khảo cứu về Tổ Tiên Việt thời Tiền sử.


Nay ông Tạ Việt Dũng kỹ sư Địa chất, thay cố PGS Đỗ Tòng nói. “Góp phần điền vào những khoảng mờ trong chính sử. Làm nổi rõ những chi tiết sống động về Tổ Tiên đã ghi trong chính sử” trong lòng đất Mẹ Việt, bên sông Hồng linh thiêng yêu dấu”.

Nhóm sưu tập khảo sát dọc sông Đáy đến xã Yên Nghĩa- Thanh Oai- Hà Nội. Bên tả sông Đáy là Đình làng Do Lộ có đôi câu đối:

1. Đây là một trong 72 ngôi đền ở Trời Nam, lưu lại dấu thiêng của vua Hùng, nhiều đời phong tặng rạng rỡ điển chương. 2.

2. Đây là nơi phân ra ba nhánh sông Hát xưa, đất đẹp kỳ quan, rạng rỡ ngàn năm ghi dấu Hồng Lạc.

Chính nơi đây (vùng tổng Sốm) có 72 ngôi đền“lưu dấu thiêng vua Hùng”.

Chính nơi đây sông Hát chia ba nhánh “lưu dấu Hồng Lạc”


Theo tài liệu cổ địa lý, sách Địa chí Thăng Long- Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, cụ Nguyễn Văn Siêu- Bùi Quỹ soạn, khi khảo cứu về nguồn lạch sông đã ghi:

“Thượng lưu sông này (Nhị Hà) ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Bên hữu chia ra một dòng là Hát Giang, chảy qua Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Đức”.


Phía Đông Nam làng Do Lộ còn lại một dãy đầm, ao in dấu lòng sông kéo dài từ xã Yên Nghĩa qua xã Phú Lãm, Phú Lương, xã Cự Khê bên hữu sông Nhuệ. Các cụ cao niên ở đây cho biết ngày xưa có nhánh sông từ sông Đáy chảy qua nơi đây, khi qua làng nào thì mang tên làng đó. Khúc sông này được gọi là thượng chí Ao Vạc (Yên Nghĩa), hạ chí Bảy Giỏ (Khe Tang).


Nhà nghiên cứu Đặng Văn Tu đã đi tìm dấu vết dòng sông cổ vùng đất Phú Lương, Phú Lãm và tổng Sốm. Ngày nay xã Phú Lương còn in dấu một dòng sông cổ. Đó là một con cừ, có nhiều đoạn trở thành đất canh tác. Trước cửa đình làng Văn Nội còn một dãy ao, xưa là chỗ nước sông chảy qua. Chỗ này trước gọi là bến đò Ong. Phong Châu là tên chỉ bến bãi. Phong Châu là bến xây bằng đá ong ở dọc sông Hát. Suốt từ Văn Nội đến Động Lãm, những cầu ao, thường gọi là bến. Dòng sông cạn thành ao. Bến đò, bến sông đã biến đổi, còn bến ao. Dòng sông cổ chảy qua bảy làng: Nghĩa Lộ (Yên Nghĩa), Thanh Lãm, Quang Lãm, Phú Lãm, Thanh Oai, Văn Nội, Nhân Trạch. Dòng sông bắt nguồn từ Ao Vạc chảy qua xã Phú Lãm, Phú Lương đến Cự Khê, đổ vào sông Nhuệ, quang co khoảng mười cây số. Bảy Giỏ là điểm cuối cùng của dòng sông. “Thượng chí Ao Vạc, hạ chí Bảy Giỏ”. Dòng sông cổ chảy qua Phú Lương thông với sông Đáy. Sông Đáy chảy trên đất Hà Sơn Bình hiện nay là sông Hát, là một nhánh của sông Hồng. Nó tách từ sông Hồng ở huyện Phúc Thọ- Hà Nội, chảy qua Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức đến Hà Nam, lại nhập vào sông Hồng. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Sông Hát cách tỉnh thành Hà Nội chín dặm về phía Tây Nam, là phân lưu của sông Nhị”.

Gần đây các nhà nghiên cứu khảo về sông Đáy và sông Hát cho rằng sông Đáy là sông Hát. Dòng sông cổ chảy qua Phú Lương bắt nguồn từ sông Hát. Là một nhánh của sông Hát. Nhánh sông Hát chảy qua tổng Sốm ngày xưa còn âm vang qua những câu đối ở các đình làng, nơi nó chảy qua. Ngôi bảo tháp làng Do Lộ

Ngựa xe lai vãng đường quan cấm
Trăng thanh gió mát, Hát giang biên

Các làng Thanh Lãm, Quang Lãm, Văn Nội có nững câu đối:

Thắng Lãm thủy tự Đồng Nhân nguyên
Hát giang tiên vi trì tỉnh hậu(Thắng Lãm khởi thủy từ Đồng Nhân
Sông Hát ngày trước đã thành ao, thành giếng)

Khai quật di tích Phú Lương

Khu di tích Phú Lương thuộc thôn Văn Nội, xã Phú Lương huyện Thanh Oai- Hà Nội đã được Viện khảo cổ học khai quật từ ngày 8- 12- 1981 đến 8- 1- 1985.

Theo nhóm tác giả Hà Văn Phùng, Nguyễn Tường Kỳ và Bùi Văn Liêm (Viện khảo cổ học) khai quật “chữa cháy” khi dân làng đào đất đắp đường, phát hiện nhiều di vật bằng gốm, đá thủy tinh, đặc biệt là đồ đồng.

Di tích khai quật Phú Lương bao gồm khu cư trú nằm trên vùng đất cao, thuộc Văn Nội, rộng 15.000m2 và khu mộ táng liền kề về phía Đông Nam, rộng trên một vạn mét vuông.

Khu cư trú đào một hố thấy tầng văn hóa dày một mét. Thu được di vật: gốm Đông Sơn, một mũi nhọn sắt, một lưỡi câu đồng, ba dọi xe chỉ bằng đất nung, một bát gốm và hơn 2000 mảnh gốm bình, vò, bát.

Khu mộ táng được khai quật bốn hố để nghiên cứu. Địa tầng khu mộ táng có năm lớp rõ rệt. Phân biệt máu sắc khác nhau. Trên cùng là lớp đất canh tác, phù sa pha cát và các chất hữu cơ. Phù sa bồi tụ qua các trận lũ từ dòng sông trào lên. Tiếp đến là lớp sét vàng nhạt đến lớp đất màu nâu, thuộc đất sét đang bị phong hóa. Dưới là lớp sét vàng loang lổ lẫn sét xanh. Dưới nữa là lớp sét xanh và lẫn đá và cành cây mục nát.

Tổng số bốn hố khai quật có 28 ngôi mộ cổ. Mộ táng hình thức chôn cất gồm cải táng và chôn lần đầu với hai loại mộ đất và mộ thân cây khoét rỗng.

Các di vật thu được nhiều nhất là đồ đồng 30 chiếc, gồm: dáo, dao găm, khuyên tai, mâm, hoa tai, thạp, đĩa… Đồ đá có bốn chiếc gồm rìu, khuyên tai. Đồ xương hai chiếc (một răng nanh chó làm bùa đeo và một vật chưa rõ công dụng). Đồ gốm bị vỡ nát, nồi, chõ, vò… gốm thô, độ nung thấp, mang đặc trưng của văn hóa bản địa rõ rệt gốm Đông Sơn.

Điều đáng chú ý là đồ đồng thời này đã trở nên tinh xảo, và thông dụng. Dân Việt vừa chế tạo được vũ khí: dáo, dao găm, vừa chế tác được đồ dùng gia đình: mâm, thạp đĩa, và đạt tới nghệ thuật chạm khắc đồ trang sức tinh tế hoa tai, khuyên tai…

Từ những chứng cứ khai quật di tích Phú Lương khảo cổ học đã giúp chúng ta nhìn sâu vào lòng đất, thấy rõ Tổ Tiên Việt sinh sống ở đây, qua nhiều giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.

Văn hóa Đông Sơn (2.300 năm trước) mang đậm yếu tố lưu vực sông Hồng. Đó là sự phân biệt rõ rệt giữa công cụ lao động và vũ khí. Văn hóa Đông Sơn sinh ra nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng.

Di vật đồ đồng thu được do khai quật di tích Phú Lương cho thấy đây là thời kỳ Đồ Đồng- Văn hoá dựng nước Văn Lang đã phát triển rực rỡ trên vùng đất Thanh Oai- Hà Nội ngày nay.

Dấu tích các Trung tâm Kinh Đô cổ

Nhóm nghiên cứu Tiền sử khảo sát thực địa và thư tịch cổ trong dân gian, đình, chùa, đền, miếu, giếng cổ, cây cổ thụ, bến ao… để tìm kiếm các dấu tích về Tổ Tiên ngay trên dải đất phia Tây châu thổ sông Hồng. Dải đất này hiện hữu các di vật của người Việt cổ nền văn hóa Hòa Bình và các di vật của thời Hùng Vương, đan xen, chồng gối lên nhau. Chính trên mảnh đất này từ xưa tới nay, đời đời dân cư sinh sống ngày một đông.

Lần theo dấu tích dòng sông cổ (Hát giang) ở xã Phú Lương có thôn Vân Nội. Trước cổng làng là một dãy đầm In dấu một nhánh Hát giang đã mất. Trên cao, cổng làng có hai câu đối:

“Mạnh tộc Hồng Bàng Dã
Trùng trung nhân vọng nguyệt”

Trong làng Vân Nội có Nguyễn tộc từ đường thờ, giỗ Tết các chư vị, liệt vị Tổ Tiên Bách Việt. Có nhà thờ bà Man Nương, mẹ chồng Trưng Trắc. Có chùa Sùng Nghiêm thờ Tam Tòa Đức Ông, thờ Mẫu Thượng Ngàn. Có đình làng thờ Đống Xã Đại Vương. Cạnh đình làng có cây bồ đề đại thụ. Cánh đồng Vân Nội có xứ đồng Mả Đế, xứ đồng Xích Hậu.

Tại Nguyễn tộc từ đường, trưởng tộc là cụ Nguyễn Vân Tằng, vừa về với Tổ Tiên tháng 10- 2013. Mấy chục năm qua, đã đến lúc, cụ Tằng hợp tác cùng nhóm hậu duệ tâm huyết, công bố dấu thiêng các cụ Tổ họ Nguyễn- Tổ Bách Việt. Cụ dịch và cho biết hàng ngàn trang giấy, sách, của các vị tiền nhân ghi về nguồn gốc, thế thứ, tên, húy, pháp danh, ngày tạ thế, mộ phần, ngày giỗ của các vị Liệt tổ, Liệt tông, Tổ Mẫu dân tộc Việt. Tạm gọi chung là Ngọc phả Hùng Vương.

Nhóm sưu tầm đã nghiên cứu ba tài liệu: Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, Nguyễn tộc từ đường Ngọc phả cổ lục chính bản, Bách Việt nguyên trưởng chú giải.

Xếp thế thứ lớp người ưu tú được ghi trong thư tịch Tổ Tiên Dân Tộc Việt đã từng sống và dựng nước, làm rạng danh giống nòi tại ngay vùng (tổng Sốm) châu thổ sông Hồng.

Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư ghi Phục Hy- Hư Không Giáo Chủ, khai sinh nước Cực Lạc. Cực Lạc là tên nước của Việt tộc thuở khai thiên lập địa ở miền Tây Vực (Thạch Thất- Hà Nội ngày nay) do Đế Thiên Phục Hy định đô, cách nay 7000 năm. Chùa đã bị tàn phá, cổng chùa còn sót lại.

Bộ Ngọc phả Hùng Vương ghi dấu tích các Trung tâm Kinh đô cổ.

Trung tâm Kinh đô Phục Hy vùng chùa Cực Lạc.

Trung tâm Kinh đô Đế Thần vùng chùa Trầm.

Trung tâm Kinh đô Kinh Dương Vương vùng Phong Châu- Thanh Oai- Hà Nội ngày nay.

Bách Việt Ngọc phả truyền thư ghi

Thuở khai thiên lập địa, Tổ Tiên chúng ta sinh cơ lập nghiệp ở Tây Vực, thủy chung đã 7000 năm rồi. Núi có nhà hang đá Thạch Thất, rừng có vô vàn cây cối hỗn tạp, đủ hoa thơm cỏ lạ, tốt tươi đẹp đẽ, Đất rộng bao la, nhà cửa thôn xá đâu đấy. Ruộng đất màu mỡ, dân cư sum họp, thịnh vượng, nhân vật luôn luôn không thiếu. Muôn đời tôn xưng người đứng đầu (vua cả) Phục Hy, tên nước Cực Lạc, đóng đô ở đó. Từ đấy về sau cày cấy lấy gạo, đào giếng lấy nước nên gọi là Phục Hy.”

Bách Việt Ngọc phả truyền thư ghi về cụ Thần Nông:

Đế Thần là con Đế Viêm (con cháu Phục Hy) còn trẻ tự xưng là Thần Nông. Đế Thần cai quản từ Trường Giang trở về Nam. Thần Nông được thừa hưởng sự nghiệp của Tổ Tiên lên ngôi vua sáng, thi hành chính nhân sáng suốt. Dân chúng một lòng kính yêu. Từ phía Tây trở xuống, lấy ngọn Phương Lãnh Trầm Đỉnh làm chính và ngọn Linh Sơn, Tiên Lữ, tiếp đến Phong Châu làm một dải. Ông dạy dân làm ruộng là chính. Thần Nông lấy lá chữa bệnh, cứu dân độ thế… Thần Nông phát minh ra nghề cấy trồng lúa nước và phát minh sáng chế ra lưỡi cày bằng gỗ cứng để cho dân làm ruộng. Người dân làm ruộng, cày cấy lúa nước thường lấy vỏ cây che thân để chắn bùn gọi là cái thường (tức cái váy, cái xiêm) lan rộng từ Nam đến Bắc. Do đó người ta thường gọi là họ Việt Thường”.

Hiện nay quanh ngọn Phượng Lãnh Trầm Đỉnh còn dấu tích mộ Thần Nông trước Trầm Sơn động, mộ thầy dạy Thần Nông, mộ mẹ Thần Nông.

Tại chùa Trầm huyện Chương Mỹ có tượng thờ Đế Thần tức vua Thần Nông. Điện thờ chính trong hang chùa Trầm có tượng Đế Thần, bệ thờ, bát hương bằng đá.

Ở phía Nam chùa Cực Lạc có điện thờ vua Thần Nông.

Hai con trai của Thần Nông là Đế Tiết và Đế Thừa.

Đế Tiết còn gọi là Đế Tiết Vương con cả của Thần Nông dân gian gọi là Đức Thánh Cả.

Đế Thừa còn gọi là Sở Minh Công (Đế Quý Công) con thứ của Thần Nông, thay Đế Tiết nối dõi Thần Nông. Dân gian gọi cụ là Đức Thánh Hai (Đức Thánh đệ nhị). Cụ đã thu phục được bảy mươi hai bộ lạc, sáp nhập thành chín bộ lạc gọi là Cửu Long Chân Chính. Tòa Thượng Cửu Long ở các chùa Việt Nam là biểu tượng thờ chín ông Tổ của người Việt. Đế Thừa lập nước lấy tên là Xích Quỷ.

Xã Quang Lâm- Thanh Oai- Hà Nội có các khu mộ và và nơi thờ Đức Thánh Cả, Đức Thánh Hai.

Ba con trai của Đế Thừa là Nguyễn Minh Khiết (Đế Minh) Nguyễn Nghi Nhân (Đế Nghi) và Nguyễn Long Cảnh.

Nguyễn Nghi Nhân- Đế Nghi (con thứ) được cha Đế Thừa giao làm chủ Ô Châu, sinh ra dòng Sở Hùng Thông, cụ mất tại nước Sở. Đế Nghi làm vua phương Bắc sinh Đế Lai. Đế Lai sinh Âu Cơ. Sau này Đế Lai đưa con gái về thăm quê, Âu Cơ lấy Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là cháu nội cụ Đế Thừa.

Cụ Nguyễn Minh Khiết- Đế Minh là Thái Khương Công- Nguyễn Minh Khiết (con cả) thay cha đứng đầu nước Xích Quỷ, dời nơi cụ Tổ Phục Hy (vùng làng Sở- Thạch Thất) về Khương Thượng- Hà Nội ngày nay. Cụ kết hôn cùng công chúa Đoan Trang (Đỗ Quý Thị). Cụ Đỗ Quý Thị tu đạo Sa bà đạo hiệu Hương Vân Cái Bồ Tát, là đạo Mẫu Việt.

Nguyễn Minh Khiết và Đỗ Quý Thị sinh Kinh Dương Vương sáng lập Kinh đô Hùng Vương, dựng họ Hồng Bàng. Kinh đô tại Phong Châu (tổng Sốm- Thanh Oai).

Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân làm vua thay cha, lấy Âu Cơ, dựng họ Hùng, tên nước là Văn Lang, nối nghiệp 100 đời. Truyền thuyết Âu Cơ- Lạc Long Quân, Cha Rồng Mẹ Tiên, một bọc trăm trứng là sự thật giống nòi, cùng huyết thống sinh ra. Trong đó 18 đời vua có đức, có tài truyền miệng trong dân gian không bao giờ mất.

GS Nguyễn Trường Tiến ngộ câu ca:

Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn nước non


Tổ Tiên ta Trí Dũng siêu phàm, đã ẩn vào cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại, truyền miệng cháu con. Ai dám bảo Thần Nông, Kinh Dương Vương là huyền thoại Trung Quốc?


Đền, miếu, lăng thờ các vị ở nhiều nơi, mộ ghi phả cổ, tục lệ, hội làng cúng tế khắp nơi đất Việt. Miệng truyền miệng muôn đời. Làm sao con cháu Việt quên được Tổ Tiên. Lá rụng về cội. Tổ Tiên còn. Linh khí dâng đầy. Nước Việt mãi trường tồn. Sông núi, biển, đảo đồng lúa, nương ngô, ao hồ… Tổ Tiên linh hiển cùng gìn giữ, mãi mãi còn. Bia miệng truyền miệng, chúng ta là con cháu Thần Nông, Kinh Dương Vương, là một bọc trăm trứng Mẹ Âu Cơ, không bao giờ phai mờ trong ký ức người Việt các thời đại, truyễn mãi mãi.


Phần mộ các vị mang họ Hùng Vương được an táng ở miếu Sơn Thần gọi là tòa Cửu Long. Tượng tòa Cửu Long hình cầu vồng 9 rồng chầu, ở giữa là cụ ni sư Hương Vân Cái Bồ Tát đặt ở trước Tam Bảo các ngôi chùa Việt cổ (Tiền Thần, hậu Phật).

Chăm lo giữ gìn mộ phần Tổ Tiên

Trải bao tàn phá của thời gian và những cuộc chiến tàn khốc, sự hủy diệt nòi giống của kẻ thù truyền kiếp, trên phần đất nước Việt Nam hùng cường còn lại của Tổ Tiên Bách Việt vẫn uy nghi, linh hiển mộ phần của Tổ Tiên, được cháu con nối truyền chăm giữ, bằng mỹ tục Thờ cúng Tổ Tiên. Năng lượng Tâm linh Tổ Tiên Việt cực mạnh, bởi được tôn thờ, cúng kính, nguyện cầu nhiều ngàn năm, năng lượng của nhiều thế hệ người tụ hội, không một kẻ thù nào có thể tàn phá, trấn yểm nổi. Tổ Tiên hiển linh. Mộ phần của Tổ Tiên, mỗi tòa Quán Miếu được đánh dấu một cây cổ thụ (cây đa, cây duối, cây quéo) và hai giếng mắt Rồng.


Mộ phần Tổ Phục Hy trồng cây đa. Mộ phần Đế Thần (Thần Nông) trồng cây duối. Mộ phần đời Hùng Vương trồng cây duối và đôi giếng mắt Rồng. Tôi đã quan sát hàng rào cây duối cổ nơi ngôi nhà thờ tổ họ Lê tại Trang Sơn Đông của Trần Nguyên Hãn. Cây duối rất lạ. Cây chết một phần, phần khác nảy lá xanh, nuôi dưỡng phần cây chết, sống lại.

Ảnh ông Đỗ Văn Bình chụp cây duối cổ cạnh mộ Miếu Quán 07 thờ các vua Hùng ở Bắc Lãm- Thanh Oai thấy cây quấn nhiều tầng, thân hóa đá, vững chãi, cành xanh vươn cao như một vị Thần trông giữ nước non.

Cây đa, cây đề sống muôn đời thành cây Thần, ai cũng biết. Mộ phần Hương Vân Cái Bồ Tát trồng cây đề.

Mộ phần Tổ Tiên có dấu linh thiêng như thế, dân không biết, nhưng thấy mộ phát, cây cổ, giếng nước lạ thiêng liêng, nên tự giác hương khói, phụng thờ. Dân gian trải nghiệm thực tế và truyền miệng, ai phá mồ mả, miếu đền đều bị chết. Chết khổ sở. Ai cũng sợ.

Chúng tôi được thăm tạ mộ, miếu quán, mộ Tổ Tiên tại vùng tổng Sốm- Thanh Oai- Hà Nội, dấu thiệng không mất. Cây cổ thụ, giếng to tròn, mộ phát cao, rộng, cỏ xanh, kèm đền, chùa thờ các vị ở gần đó, linh thiêng. Người Việt cổ an táng các vị Tổ Tiên của mình đã chọn đất thiêng, và các vị Tổ Tiên đều là những người có công lớn, được dân nhất tâm tôn thờ, cầu cúng nhiều đời, nên năng lượng Tâm Linh mộ Tổ Tiên nay đo được rất cao.

Vị trí mộ phần từng mộ Tổ Tiên được ghi chép trong Ngọc phả Hùng Vương cất giấu, người ngoài không biết. Người tộc trưởng biết và truyền đời con cháu bằng các chỉ thực địa để khói hương.

Bốn đời cụ Nguyễn Vân Tằng ở Vân Nội truyền giữ mồ mả Tổ Tiên và Thư tịch. Cụ Nguyễn Vân Ý là ông nội cụ Tằng mất 1951. Bố cụ Tằng tiếp tục dắt cụ Tằng đi chăm mộ Tổ Tiên do cụ Nguyễn Vân Ý truyền lại. Cụ Nguyễn Vân Tằng mất 10- 2013. Trước khi mất cụ Tằng đã dành mấy chục năm dịch phả cổ, công bố mộ Tổ Tiên. Nhóm nghiên cứu đã theo thư tịch và chỉ dẫn của cụ Tằng, chụp ảnh, đo năng lượng phần mộ Tổ Tiên và công bố để cùng nhau gìn giữ mả Tổ. Hiện nay mộ cụ Hương Vân Cái Bồ Tát Đỗ Quý Thị, mộ Bát Bộ Kim Cương, mộ Lạc Long Quân đã được UBND Thành phố Hà Nội khoanh vùng bảo tồn. Những ngôi mộ Tổ Tiên khác được nhân dân vùng tổng Sốm- Thanh Oai, hương khói phụng thờ, kèm miếu, đền chùa gần khu mộ và các tục lệ, lễ hội. Tiếc thay! Mộ Mẫu Thượng Ngàn- Hồng Đăng Ngàn, vợ vua Kinh Dương Vương đã bị san lấp xây đô thị năm 2008. Đáng buồn và đáng sợ thay!

Chúng tôi dẫn lời cố PGS Đỗ Tòng, chủ biên Khảo cứu sưu tập về thời Tiền sử gửi lãnh đạo Thành ủy Hà Nội (Ngày 26- 10- 2008):

“Quá trình hình thành sưu tập khảo cứu có một số điều về Tiên Tổ đất Việt thời Hồng Bàng- Văn Lang nằm trong phạm vi đất của Hà Nội (mới): Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Hà Đông… Có bản địa danh, địa chỉ ghi vào bản đồ về những di tích đó. Chúng tôi mong một điều cấp bách được thành phố quan tâm, có quyết định bảo tồn những mảnh đất có địa chỉ di tích trên. Kể cả những di tích vật thể đến nay vẫn còn đang có có ý kiến khác nhau.


Chúng ta đều nghĩ rằng đập phá những nơi có di tích để giành thêm một khoảnh đất xây dựng nhà ở hoặc làm một công trình gì đấy, trước mắt chỉ đạt được lợi ích nhỏ bé. Điều đó nếu xảy ra thì trước hết là sự vô trách nhiệm về Tâm linh với Tổ Tiên. Làm mất tài sản Văn hóa, nguồn năng lượng quý báu, không dễ dàng có thể sửa chữa được. Đập phá, hủy hoại những nơi đó thì dễ, nhưng để mất mát thì không gì bù đắp được”.


Tôi nghĩ nôm na rằng mình đi mua đất xây nhà để ở, nếu biết dưới đất có một ngôi mộ, chắc mình sẽ cao chạy xa bay. Điếc không sợ súng. Không biết thì thôi. Biết thì sợ lắm. Huống hồ mảnh đất đó đã được ghi bản đồ chỉ dấu thiêng Tổ Tiên, có mộ, có cây cổ thụ, ao giếng phong thủy, hương khói phụng thờ, mà còn nhắm mắt lấn chiếm, hoặc san bừa xây nhà thì nguy cấp. Thần cây đa. Ma cây gạo.Cây cổ thụ mấy nghìn năm. Thần thánh linh hiển. Năng lượng Đất Trời Người tụ hội nơi đất, mộ, miếu cây. Ai đó dám tàn phá thì thật kinh hoàng. Cúng bái đốt vàng mã mấy kiếp không chuộc nổi tội giày xéo mồ mả Tổ Tiên.

Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành.

Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát.



Hồ Gươm Xuân 2014.
Mai Thị Thục.
(Theo web site: Họ Đỗ Việt Nam)



Trên đây là toàn bộ sưu tầm của tôi về khái niệm gia phả.
Các bạn đọc xong, nếu có nhu cầu thiết kế gia phả, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Email: Dichvugiapha@gmail.com
Mr Sơn: 0983.016.279


Cảm ơn các bạn.!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét