TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ “VIẾT GIA PHẢ”

  Việc viết gia phả trong họ đã có rất nhiều người quan tâm. Trên tập san Họ Bùi Việt Nam: Ông Bùi Thiết viết bài “Gia phả là gì?” (tập 7 trang 29-31); Ông Bùi Xuân Vịnh có bài “Trao đổi việc biên soạn Gia phả” (tập 13 trang 39-38); Ông Bùi Văn An có bài “Viết Gia phả bằng mã số” (tập 18 trang 46-48)… đều là những tài liệu quý để tham khảo. Nay tôi xin đề cập một góc độ khác: “Việc khôi phục Gia phả”.
     Chúng ta đều biết, với một quốc gia phải có bộ Quốc sử ghi chép lại sự phát triển của đất nước qua từng thời kỳ dù thịnh hay suy. Với một dòng họ cần có Gia phả để ghi lại sự phát triển của dòng họ qua từng thế hệ. Bởi vậy, từ xưa tổ tiên ta rất quan tâm đến Gia phả, có những người đi lập nghiệp xa quê hương thường sao chép để mang theo.
     Tuy vậy, do những biến cố trong lịch sử xã hội, do tàn phá của chiến tranh hoặc do sự yếu kém trong việc bảo quản giữ gìn của con cháu, nhiều chi họ đã không còn Gia phả cũ để lại. Lại có trường hợp thay đổi dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, những bản Gia phả cũ không kịp thời biên dịch và ghi tiếp các thế hệ sau nên một thời gian dài để đứt quãng. Đối với con cháu, khi tuổi trẻ còn lo hoàn thành nhiệm vụ bản thân được xã hội giao hoặc lo kinh tế nuôi sống bản thân và gia đình nên thường ít quan tâm tìm hiểu về các bậc tiền bối. Nhưng nếu họ muốn tìm hiểu mà Gia phả không còn thì cũng không thể, nên có người đã đặt tên con trùng với tên húy của bố đẻ mình (phạm húy) – đây lại thuộc trách nhiệm của các bậc cha chú không những hôm nay mà cho các thế hệ mai sau. Chi họ chúng thôi cũng không nằm ngoài lệ trên.
     Đầu năm 1999, gia tộc Bùi chúng tôi đã có chủ trương khôi phục lại Gia phả. Đây là việc làm rất khó do tài liệu gốc còn lại không nhiều. Theo tôi:
     1.Trước hết phải tìm người chủ biên và cộng sự. Họ phải là người có tâm huyết, có ít nhiều kiến thức về việc họ, có điều kiện thời gian, hoàn cảnh giao tiếp và tự nguyện đóng góp công sức cho việc họ. Họ tộc chỉ cần động viên cấp văn phòng phẩm và tài liệu cần thiết.
     2.Phải có đủ thời gian để sưu tầm tư liệu, bao gồm những tài liệu cũ, những khẩu truyền của các vị cao niên trong và ngoài họ, nghiên cứu tìm tòi qua sách báo, lịch sử để bổ sung và chứng minh thêm những tư liệu khẩu truyền sưu tầm được về mức độ chính xác hay còn nghi vấn làm cơ sở cho việc soạn thảo tốt hơn.
     3.Cả họ phải góp sức cho nhóm biên soạn những tin tức thông qua hình thức:
a.Phát phiếu điều tra cho từng hộ. Mỗi hộ một bản điều tra theo từng thế hệ để ghi lại toàn bộ thông tin vè gia đình mình (tên, tuổi, nơi sinh, quê quán, thuộc chi, đời nào và một số điểm khác như: nghề nghiệp, nơi cư trú…) ghi rõ cả vợ, chồng và con cái. Đối với các gia đình có bố, mẹ hoặc ông, bà đã quá cố, con cháu ghi thay và bổ sung thêm năm mất, ngày giỗ, nơi an táng (bằng một bản riêng).
b.Phát bản tự bạch: Với những thành viên bản thân và vợ có những đặc điểm trong cuộc đời hoạt động của mình về học hành thi cử, về công đức đối với họ tộc, quê hương, đất nước đã được thừa nhận bởi các quyết định, bằng khen, huân huy chương…(chúng ta coi đây cũng giống như những sắc phong của vua chúa thời phong kiến, nên các chứng cứ trên có kèm theo bản photocopy thì tài liệu lưu càng quý giá hơn). Đây cũng là nội dung quan trọng trong Gia phả.
     Tự bạch có thể viết cho mình hoặc con cháu viết thay cho cha mẹ, ông bà. Thậm chí nhờ người biết rõ về người thân của mình viết hộ. Các bản điều tra và tự bạch được tập trung về họ. Toàn bộ tư liệu quý giá trên thu thập được, sẽ được chỉnh lý, sắp xếp hệ thống hóa phục vụ cho việc biên thảo. Tục ngữ có câu: “có bột mới gột nên hồ” là thế đó.
     4.Nội dung kiến nghị nên có các phần sau:
a.Phần 1Mở đầu: Cần nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc soạn thảo, quá trình sưu tầm tư liệu, soạn thảo, mức độ soạn thảo (Gia phả hay lược phả), nội dung trong bản soạn thảo.
b.Phần 2: Giới thiệu sơ lược về quê hương. Theo quy luật chung, một dòng họ lập nghiệp tại địa phương nào đều có sự tác động qua lại giữa địa phương và dòng họ trong quá trình phát triển. Bởi vậy giới thiệu để con cháu biết khái quát về quê hương từ lúc dòng họ về lập nghiệp đén nay. Khi con cháu nghĩ đến dòng họ là nghĩ đến quê hương và ngược lại nhằm gây tình cảm giữa con cháu với quê hương và dòng họ ngày càng đậm sâu hơn.
c.Phần 3: Sự phát triển của dòng họ: Dựa vào cứ liệu để soạn thảo, nhưng dù Gia phả hay lược phả cũng phải nêu lên hai nội dung chính:
     a)Xác định mức độ soạn thảo, thông thường trong Gia phả cần nắm rõ: Cụ tổ chung cao nhất là ai? Từ đâu đến? Đến bằng cách nào? Đến bao giờ? Từ đó đến nay đã qua bao nhiêu thế hệ? Sau đó lập thành hệ phả (hay gọi là cây Gia phả). Hệ phả có thể lập trên một tờ. Đối với họ lớn, chia thành nhiều chi, mỗi chi lập thành 1 tờ, về sau có thể lập cho từng tiểu chi…Khi cần thì có thể gắn kết lại sẽ có bức tranh tổng thể để con cháu nhìn vào sẽ biết rõ sự phát triển của dòng họ và thế thứ, thế vị của mình.
     b)Lược thuật sự phát triển: Thực chất là lý lịch sơ yếu của từng thành viên trong họ, cần lưu danh cho hậu thế biết. Phần này nên sắp xếp theo từng thế hệ (từng đời) để khi con cháu muốn biết có thể tìm dễ dàng, nội dung chi tiết tùy thuộc vào yêu cầu của từng họ tộc và cơ sở tư liệu sưu tầm được.
d.Phần 4: Một số quy định: Tuy Gia phả chỉ sử dụng trong nội bộ dòng tộc nhưng cần có quy định thành văn để các thành viên làm căn cứ thực hiện.
     -Nguyên tắc, trách nhiệm, phương pháp bảo quản giữ gìn tài liệu.
     -Thời gian định kỳ và trách nhiệm ghi bổ sung, nội dung bổ sung.
     -Trách nhiệm và phương pháp đóng góp của các thành viên vào tư liệu dòng họ.
     -Việc phổ biến cho con cháu biết gia phả dòng họ.
     -v.v…
e.Phần 5: Phụ lục: Phần này là hệ thống lại một số tài liệu sưu tầm được để cho con cháu tham khảo, vừa chứng minh rõ thêm các tiểu tiết trong bản soạn thảo không thể viết chi tiết dài dòng.
     5.Ngoài ra nên mở thêm quyển sổ tộc tịch. Mỗi khi thành viên nam lập gia đình  sẽ ghi vào thành một tộc tịch riêng. Trong sổ tộc tịch:
-Trang bên trái: Tên các thành viên trong hộ, ngày sinh, quê quán, thuộc chi nào? Đời thứ mấy?
-Trang bên phải: Ghi các đặc điểm khác, thí dụ: Con gái lấy chồng tên gì? Ngày tháng năm nào? Về đâu? Hoặc cả gia đình  chuyển lập nghiệp nơi khác là địa phương nào? Ngày tháng năm nào?...
     In sẵn một tờ giấy báo thay đỏi hàng năm về các nội dung: Sinh hay tử, kết hôn hay ly hôn, thay đổi khác… Ghi rõ ngày tháng năm về các nội dung cụ thể sự thay đổi người báo thay đổi.
     Hai việc làm trên là tích lũy tư liệu phục vụ cho bổ sung Gia phả sau này.
     Năm nội dung trên là những việc mà chúng tôi đã và đang làm, tuy đã khởi động cách đây 12 năm, nay chỉ dự thảo với mức độ “Lược phả”. Với mong muốn có được sự giúp đỡ của các chi họ về kinh nghiệm và những góp ý hướng dẫn chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ họ tộc của mình, tôi mạnh dạn viết lên để quý vị xem và chỉ giáo.
     Xin chân thành cảm ơn!     
BÙI ĐÌNH PHI

Bài viết trên được chúng tôi sưu tầm từ internet - quý vị có nhu cầu tư vấn thiết kế gia phả kỹ hơn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi: 

Làm gia phả, thiết kế gia phả, phả đồ các dòng họ

Mr Sơn: 093.637.5511
Cảm ơn các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét