NGÔ QUYỀN (897 - 944)

Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 898–944) là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô. Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Tiểu sử


Ngô Quyền sinh năm 898, mất năm 944 quê ở Đường Lâm, Ba Vì (Hà Tây ngày nay). Ông là con trai của quan mục Đường Lâm là Ngô Mân, sau trở thành bộ tướng và con rể của Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Dương Đình Nghệ (931 - 937), được giao cai quản Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Bối cảnh lịch sử

Từ năm 907 ở Trung Hoa, nhà Đường mất, lần lượt nổi lên là các nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quí hay là Ngũ đại.
Năm 911, Lưu Cung làm Nam Bình Vương do nhà Hậu Lương phong cho, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu. Được ít lâu nhân có việc bất bình với nhà Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (917) cải quốc hiệu là Nam Hán.
Năm Quí Mùi (923)[1] Lưu Cung sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ (khi đó chấp nhận làm Tiết độ sứ của nhà Hậu Lương tại Giao Châu mà không thần phục nhà Nam Hán), rồi sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ Giao Châu.
Năm Tân Mão (931) Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước (cha của Khúc Thừa Mỹ) nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ. Được gần 7 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để cướp quyền.
Sự nghiệp
Trong thời gian cai quản Ái Châu, ông đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức.
Năm 938, ông tập hợp lực lượng hào kiệt trong nước tiến ra bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó, ông chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng, đánh bại quân Nam Hán do Hoằng Thao (có sách viết là Hoằng Tháo) chỉ huy, giết chết Hoằng Thao.
Mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô vương (tức là Tiền Ngô vương), đóng đô ở Cổ Loa(thuộc thành phố Hà Nội ngày nay). Tuy chỉ xưng vương nhưng ông có thể coi là người có công lớn trong việc giành được độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.
Năm 944, ông mất, thọ 47 tuổi. Sử sách gọi ông là Tiền Ngô vương. Sách Thiền Uyển tập anh gọi ông là Ngô Thuận Đế, có lẽ chỉ là cách tôn lên vì đương thời ông chưa từng xưng đế.
Trận Bạch Đằng lịch sử

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Quyền kéo quân ra thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội. Do lo sợ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu nước Nam Hán. Vua Nam Hán lúc bấy giờ là Lưu Cung cho con trai là Hoằng Tháo kéo quân theo đường thủy sang giúp (thực chất là nhân cơ hội chiếm lấy Giao Châu).
Đầu mùa đông năm 938, Ngô Quyền dẹp xong bọn phản loạn Kiều Công Tiễn và chuẩn bị toàn lực để đối phó với sự xâm lăng của quân Nam Hán.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán đã diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn. Cả một đoàn binh thuyền của địch vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng đã bị quân ta dẫn dắt vào trận địa bố trí sẵn và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn. Ngô Quyền đã cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng và nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên. Quân giặc thấy quân của ông chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống lên hùng hổ tiến vào. Đợi đến khi thủy triều xuống ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của giặc bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Quân giặc thua chạy, còn Hoằng Thao bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Hắn kinh hoàng khủng khiếp, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược.
Ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN - 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó.


Hơn thế nữa, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, kẻ thù của dân tộc Việt là một đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang lúc phát triển cao độ, nhất là dưới thời Hán, Đường. Tiếp tục công cuộc bành trướng của Tần Thủy Hoàng, nhà Hán đã chinh phục Bắc Triều Tiên chiếm đất đai các bộ lạc dụ mục phía Bắc, mở rộng lãnh thổ về phía Trung Á, xâm lược các nước Hạ Lang, Điền ở Tây Nam. Đầu thế kỷ thứ 7, nhà Tùy bành trướng mạnh về phía Đông, chinh phục Triều Tiên, Lưu Cầu, Đài Loan, Giao Châu, Lâm Ấp, Tây Đồ Quốc..., nhà Đường mở rộng bành trướng về mọi phía, lập thành một đế chế bao la như Đường Thái Tông đã từng tuyên bố: "Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục" (theo Đường thư).
Từ đầu Công nguyên, dân số của đế chế Hán đã lên đến 57 triệu người. Thời gian đó, dân số của Việt Nam chỉ độ một triệu. Sau khi chiếm được Việt Nam, mưu đồ của nhà Hán không phải chỉ dừng lại ở chỗ thủ tiêu chủ quyền quốc gia, bóc lột nhân dân, vơ vét của cả, mà còn tiến tới đồng hóa vĩnh viễn dân tộc Việt, sát nhập đất đai vào Trung Quốc. Chính sách đồng hóa là một đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, đã được thực hiện từ thời Hán và đẩy mạnh tới nhà Đường. Trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thời kỳ vận mạng dân tộc trải qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo.
Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - xứng đáng với danh hiệu là "vị tổ trung hưng" của dân tộc như Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trongViệt Nam quốc sử khảo.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đã đánh giá: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu" (Việt sử tiêu án).

Mấy bà Dương hậu?

Từ trước tới nay, theo thông tin từ chính sử thì Ngô Quyền có người vợ là bà Dương hậu là con gái Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, em gái (hoặc chị) của Dương Bình vương Tam Kha.
Cuốn Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp năm 1991 còn đề cập tới Càn Lương phu nhân, một "người vợ khác" cũng mang họ Dương của Ngô Quyền, quê ở dòng sông Đáy, qua mấy câu trong Thiên Nam ngữ lục:
Như ai đã hẹn ai đâu
Qua miền Thượng Phúc, tới cầu Ba Trăng
Như vậy là Ngô Quyền được kết luận có hai bà vợ cùng mang họ Dương. Qua thần tích đền An Nhân huyện Chương Mỹ (Hà Tây), bà họ Dương thứ hai quê ở sông Đáy có tên là Dương Phương Lan.
Cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam do Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam soạn cũng căn cứ vào những nguồn tài liệu này khẳng định về thân thế hai bà vợ Ngô vương:
  • Bà Dương Như Ngọc là con gái Dương Đình Nghệ, thân thế của bà xưa nay đã được khẳng định trong sử sách. Theo GS. sử học Lê Văn Lan giải thích trong cuốn Hỏi đáp về lịch sử Việt Nam thì tên Như Ngọc thực ra cũng chỉ là tên do giới "kiếm hiệp" đặt ra vào thế kỷ 20 để phân biệt bà Dương hậu này với bà Dương hậu khác - được đặt tên văn nghệ là Dương Vân Nga.

  • Bà Dương Phương Lan, người con gái bên dòng sông Đáy, gặp Ngô Quyền ở cầu Ba Trăng. Sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam còn phỏng đoán hai người con nhỏ của Ngô Quyền là Nam Hưng, Càn Hưng (chính sử có chép tên hai người này) có thể do bà Phương Lan sinh ra. Tuy nhiên, giả thuyết tồn tại "hai bà hoàng hậu cùng mang họ Dương" của Ngô Quyền không vững chắc, nếu cũng căn cứ đoạn sau của sách Thiên Nam ngữ lục. Đoạn sau cho thấy hai bà họ Dương này thực ra là một người.
Theo Thiên Nam ngữ lục:
Sau đoạn mô tả Ngô Quyền và bà họ Dương gặp nhau ở cầu Ba Trăng, tuyệt nhiên Thiên Nam ngữ lục không hề nhắc tới người phụ nữ nào khác của Ngô Quyền. Nhưng Thiên Nam ngữ lục lại chỉ để cho nàng Phương Lan nói với Ngô Quyền rằng "cha nàng họ Dương" mà không nói rõ người đó chính là ông Dương Đình Nghệ. Do đó người đọc vẫn có thể nghi hoặc: có thể ông họ Dương này không phải là Đình Nghệ.
Đến câu 3340 – 3342, khi Ngô Quyền sắp mất, tin dùng Dương Tam Kha vào việc triều chính:
Việc chuyên bày đặt mặc dầu Tam Kha
Với Dương hậu cùng một cha
Ngoài dinh tướng tá, trong nhà anh em

Mấy câu này cho thấy Dương hậu là em Tam Kha, nhưng vẫn có thể khiến người đọc nghi hoặc: có thể đến đây tác giả Thiên Nam ngữ lục mới nhắc tới bà Dương hậu thứ hai ngoài bà Phương Lan, tức bà Như Ngọc con Dương Đình Nghệ.


Nhưng tới câu 3349 – 3352, đoạn Ngô Quyền lâm chung thì không còn phải bàn cãi:
Thôi bèn hồn phách phất phơ
Cầm tay Dương hậu u ơ dặn rằng:

"Thương vì thuở gặp Ba Trăng
Chi phiền cho bỏ đạo hằng nuôi nhau..."


Qua 4 câu này thì chắc chắn bà Dương hậu được vua Ngô cầm tay này là bà Phương Lan, vì đây là người "gặp Ba Trăng". Và bà lại là người em của Tam Kha (qua ba câu phía trên). Như vậy bà Phương Lan và bà Như Ngọc phải là một người, chứ không thể là hai người. Cả chính sử (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Việt sử thông giám cương mục...) lẫnThiên Nam ngữ lục đều chỉ nói tới duy nhất một bà Dương hậu của Ngô Quyền chứ không hề nói có người phụ nữ họ Dương nào khác trong đời ông[2].

Hệ lụy của giả thuyết hai bà Dương

Do nổi lên thông tin về việc có tới hai bà hoàng hậu họ Dương của Ngô Quyền, một số tài liệu sách vở gần đây tỏ ra lúng túng trong vấn đề xử lý việc "đứng chung" giữa hai bà này trong cung đình triều Ngô, như: hai bà hòa thuận với nhau không? Trong 4 người con trai của Ngô vương (Xương Ngập, Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng), ai thuộc về từng bà? Sau này, khi Ngô vương đã mất, còn một dấu hỏi nữa đặt ra là: tại sao cả hai bà thái hậu cùng vốn là nữ tướng "vũ dũng" như vậy mà để cho Dương Tam Kha "hoành hành"? Bà Như Ngọc với Tam Kha là người nhà, nể anh đã đành, còn bà Phương Lan vì sao vẫn không có thái độ cứng rắn?
Khi đã xác định được rằng hai bà họ Dương chỉ là một người, mọi vấn đề trên hoàn toàn có thể được lý giải.
Vậy câu chuyện giữa Ngô Quyền và bà họ Dương có thể được diễn giải như sau: Sau khi cha mất, Ngô Quyền rời quê nhà Đường Lâm vào Ái châu theo Dương Đình Nghệ, giữa đường lại gặp chính con gái ông là nàng Dương thị, em gái Dương Tam Kha, tại cầu Ba Trăng. Hai người quen nhau và yêu nhau từ đó, sau được Dương Đình Nghệ chấp thuận cho lấy nhau. Việc bà Dương vợ Ngô Quyền được lập đền thờ ở vùng sông Đáy, nơi không phải quê hương bà không có gì là bất bình thường.
Sự khác nhau giữa những cái tên Phương Lan và Như Ngọc chỉ là sản phẩm "chế tác" của đời sau (trong đó có một cái tên được đặt tận thế kỷ 20), như trường hợp "tam sao thất bản" giữa những cái tên "Dương Ngọc Vân" và "Dương Vân Nga" của bà hoàng hậu hai triều Đinh, Lê sau này mà thôi. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, trong cuốn Lịch sử Việt Nam - hỏi và đáp (2004) đã chỉ rõ rằng: "tên các nhân vật lịch sử trong thần phả tại các đền thờ phần nhiều do các nhà nho soạn vào khoảng từ thế kỷ 17 trở đi và nhiều khả năng cũng chỉ là sản phẩm của sự chế tác từ các nhà nho này mà thôi, nhất là tên các nhân vật nữ".
Như vậy, việc tìm hiểu nguồn gốc những cái tên của các nhân vật lịch sử, xem tên đó được đặt trong hoàn cảnh nào và thời gian đặt, do ai đặt là điều cần thiết khi nghiên cứu lịch sử.
Gia quyến

Ngoài Dương hậu, giai thoại dân gian ghi nhận Tiền Ngô vương còn có một người vợ họ Đỗ, ở Dục Tú, Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Bà họ Đỗ không có con cái.
Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, con cả Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập, trước khi sinh raNgô Xương Xí đã sinh ra Ngô Xương Tỷ (Khuông Việt đại sư) năm 933. Đây là người cháu lớn nhất của Ngô Vương. Từ khoảng cách năm sinh giữa Ngô Quyền (898) và cháu nội Xương Tỷ cùng việc Xương Ngập có dự trận Bạch Đằng năm 938, có thể suy đoán Xương Ngập sinh khoảng năm 915, trước khi Ngô Quyền gặp Dương hậu - con Dương Đình Nghệ. Do đó Xương Ngập là con một người vợ cả của Ngô Quyền, có thể đã mất sớm và không được sử sách nhắc tới.
Sử sách ghi Tiền Ngô vương còn có 2 người con trai nữa là Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng. Phả hệ họ Ngô Việt Nam chỉ nhắc tới con cháu của Xương Ngập và Xương Văn mà không nhắc tới con cháu của Nam Hưng và Càn Hưng. Những căn cứ trên cho thấy: Tiền Ngô Vương có 3 người vợ và 4 người con trai. Xương Ngập là con một người vợ đầu (chưa rõ tên tuổi) mất sớm; Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng đều là con Dương hậu; bà Đỗ thị không có con.
Nhận định
Các nhà sử học Việt Nam thời phong kiến như Lê Văn Hưu (tác giả cuốn Đại Việt sử ký),Phan Phu Tiên (tác giả cuốn Đại Việt sử ký tục biên), Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của Ngô Quyền. Trong Đại Việt sử ký toàn thư bản Ngoại kỷ, quyển 5 của Ngô Sĩ Liên đã chép lại lời bình của Lê Văn Hưu về ông như sau:

Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân[3] của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Loạn "Ngũ Đại Thập Quốc" ở phương bắc kéo dài hơn nửa thế kỷ là cơ hội lớn cho Việt Nam thoát khỏi tay phong kiến Trung Hoa. Trung Quốc chia năm xẻ bảy, không đủ sức mạnh duy trì chiến tranh thường trực, tổng lực với phương nam. Trước Ngô Quyền, dù các chính quyền họ Khúc, họ Dương đã xây dựng nền tự chủ nhưng trên danh nghĩa, chức Tiết độ sứ vẫn bao hàm nghĩa là một phiên trấn của "thiên triều" phương bắc, dù không thuộc về Nam Hán liền kề nhưng vẫn "nằm trong tay" của "Ngũ Quý" ở Trung nguyên (nhà Hậu Lương 907-923, nhà Hậu Đường 923-936, nhà Hậu Tấn từ 936).
Thất bại lần thứ hai ở Việt Nam khiến Nam Hán phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm, khẳng định sức mạnh của "Tĩnh Hải quân" không sút kém so với các chư hầu trong "Thập quốc" lúc đó. Sau trận Bạch Đằng, Ngô Quyền tự mình xưng vương hiệu, thành lập hẳn một triều đại, có triều đình, quan chức, chính thức xác lập nền độc lập của Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà sau này các nhà sử học vẫn gọi ông là "ông tổ phục hưng" cho nền độc lập tự chủ.
Điều kiện khách quan chưa cho phép ông xưng đế và đặt quốc hiệu như hơn 20 năm sau Đinh Tiên Hoàng làm. Chỉ xưng vương cũng là một cách làm khôn khéo, "biết mình biết người" của Ngô Quyền; giống như trước đây Khúc Hạo đã không xưng vương để giữ yên bờ cõi vừa vuột khỏi tay người Bắc, Ngô Quyền không xưng đế khi chưa đủ "thế" và "lực". Kinh nghiệm của những người đi trước và những tấm gương tày liếp của các triều đại phương Bắc thay đổi xoành xoạch lúc đó, sớm dựng chiều đổ khiến ông có sự thận trọng cần thiết. Trong hơn 10 nhà cai trị Việt Nam thế kỷ 10, ông cùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn là những người được nhắc tới nhiều nhất.
Chú thích

  1. ^ Có tài liệu ghi năm 930
  2. ^ Truyền thuyết dân gian còn kể về một người con gái họ Đỗ, người Cổ Loa, từng là vợ Ngô Quyền
  3. ^ Đây là cách nói phóng đại, theo sử sách đạo quân này chỉ có 2 vạn người

Tài liệu tham khảo

  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Lịch sử Việt Nam, tập 1 – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, Hà Văn Tấn, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1991
  • Thiên Nam ngữ lục – NXB Văn học, 2001
  • Phả hệ họ Ngô Việt Nam – Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2003

Nguồn từ: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Bài viết được sưu tầm bới nhóm thiết kế, trung tâm dịch vụ gia phả Việt Nam

Chúng tôi chuyên dịch vụ thiết kế gia phả cho các dòng họ Việt nam

Email: Dichvugiapha@gmail.com
Điện thoại: 0936375511

Điêu khắc đình làng

Đình làng, nhất là đình làng ở miền Bắc, là kho tàng hết sức phong phú của điêu khắc Việt Nam trong lịch sử. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở Đình. Điêu khắc ở đình làng không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống ngày thường cũng như tâm hồn của người nông dân Việt Nam.

Nói điêu khắc đình làng cũng là nói đến nghệ thuật trang trí đình làng. Điêu khắc ở đây là điêu khắc trang trí. Người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà còn biết tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp. Điêu khắc ở đây do đó gắn liền với kiến trúc. Hầu như trên các thành phần của kiến trúc đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao, thu hút sự chú ý của mọi người lúc ghé thăm đình.

Ngay những ngôi đình từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XVIII, điêu khắc trang trí đình làng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Những nhà điêu khắc vô danh xuất thân từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực, hay là cả với giấc mơ của họ, với một phong cách hết sức độc đáo và một tâm hồn hết sức sôi nổi. Khác với những kiến trúc tôn giáo khác, ngay ở những vị trí tôn nghiêm của đình làng, ta cũng có thể gặp hình tượng những đôi trai gái đùa ghẹo nhau hay đang tình tự... Từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng hầu như không còn những cảnh sinh hoạt dân gian. Từ đây chỉ còn những hình trang trí hoa lá và phổ biến là hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Trong các đình thế kỷ XIX, thường có những bức cửa võng trước điện thờ được chạm trổ khá công phu.

Ở các ngôi đình miền Trung, điêu khắc trang trí không phong phú như các ngôi đình miền Bắc. Có người đã tổng kết về trang trí trên gỗ ở các ngôi đình vùng Thừa Thiên - Huế : "Trong kết cấu gỗ của nội thất tùy quan niệm thẩm mỹ mà dân làng có thể chạm trổ chi tiết đầu rồng, đuôi rồng ở đầu đuôi kèo, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay. Việc chạm trổ nhiều, thích ứng với các đình có kết cấu vừa phải, thanh tú. Chạm trổ ít, thích ứng với các đình có kết cấu gỗ to lớn, đồ sộ...". Đây cũng là tính chất trang trí nói chung của ngôi đình miền Trung. Nhưng nếu điêu khắc trang trí tên gỗ có giảm sút thì ngược lại, ở các ngôi đình miền Trung lại phát triển hình thức trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và gắn các mảnh sành sứ lên phần ngoài của kiến trúc. Thường thì ở nóc mái và các đường gờ mái, người ta trang trí hình tứ linh. Ơở hai đầu hồi thường được trang trí hình dơi xòe cánh bằng sành sứ để cầu phúc. Đây là cách trang trí phổ biến đời Nguyễn.

Đình miền Nam cũng có lối trang trí đắp nổi mặt ngoài gần giống đình miền Trung, nhưng điêu khắc trang trí trên gỗ thì cũng có điểm khác biệt. Phần lớn chạm khắc gỗ này đã có từ giữa thế kỷ XIX. Bốn cột đình thường được trang trí hình rồng, nên gọi là "long trụ". Nhiều nơi, long trụ chạm rời bên ngoài ốp vào, nhưng cũng có nơi long trụ được trổ một khối nguyên... Ngoài những cột long trụ đình Nam Bộ thường có các bao lam trước điện thờ, như cửa võng trong các đình miền Bắc, được chạm trổ rất tinh vi, đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, rồng, hổ...

Như vậy, điêu khắc trang trí, cùng với kiến trúc đã làm cho đình có những nét riêng trên chiều dài của đất nước.

(- Theo Bộ VHTT -)

Bài viết được sưu tầm bới nhóm thiết kế, trung tâm dịch vụ gia phả Việt Nam

Dịch vụ thiết kế cây gia phả, thiết kế gia phả cho các dòng họ Việt nam

Email: Dichvugiapha@gmail.com
Mr Sơn: 0936375511

Nhà thờ họ, nhà từ đường

Về hình thức kiến trúc, Nhà thờ họ khá gần gũi với kiến trúc nhà ở dân gian. Về công năng, Nhà thờ họ là công trình tín ngưỡng để thờ tổ tiên. Đây là hai yếu tố chính tạo nên phong cách kiến trúc của Nhà thờ họ.
Bên cạnh đó, Nhà thờ họ thuộc sở hữu cá nhân, thường do một dòng họ đứng lên xây dựng, vì vậy mà Nhà thờ họ mang tính cá thể cao chứ không mang nhiều tính cộng đồng như những công trình tín ngưỡng công cộng.Nhà thờ họ có cấu trúc tương tự như nhà ở dân gian của người Việt, chủ yếu là kết cấu khung gỗ với các hình thức kết cấu cơ bản giống nhà ở. Nhà thờ họ thường không được đầu tư lớn (vì là sở hữu cá nhân của từng dòng họ) nên thường có kiến trúc đơn giản, nhỏ bé chứ không rộng lớn, hoành tráng như những công trình tín ngưỡng công cộng.
Thông thường, một Nhà thờ họ điển hình chỉ là một ngôi nhà hình chữ Nhất nằm ngang với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc, mái có thể lợp tranh, lá cọ hoặc ngói mũi dân dã (ngói di), quy mô công trình thường từ 3 đến 5 gian.Khu vực đồng bằng Bắc Bộ vẫn được xem là cái nôi của người Việt, vì vậy loại hình kiến trúc Nhà thờ họ cũng ra đời sớm nhất ở khu vực này.
Tuy nhiên hiện nay hầu như không còn những Nhà thờ họ có niên đại sớm. Theo kết quả điều tra của Viện Bảo tồn di tích (thực hiện từ 2003 đến 2009), các Nhà thờ họ còn lại ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ có niên đại sớm nhất là từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Một phần do Nhà thờ họ thường không được đầu tư lớn (các cấu kiện khung gỗ nhỏ hơn, yêu cầu đối với vật liệu để làm nhà thờ họ cũng đơn giản hơn) nên độ bền vững thường kém hơn so với những công trình tín ngưỡng công cộng.Phong tục dân gian “Tứ đại mai thần chủ”Đối tượng được thờ trong nhà thờ họ là các vị tổ của dòng họ.
Theo phong tục dân gian: “Tứ đại mai thần chủ” (từ 4 đời thì không phải thờ nữa) nên trong một nhà thờ họ thường chỉ thờ không quá 5 đời tổ. Tuy nhiên cũng không nhất định như vậy, một số dòng họ lớn cũng có thể thờ nhiều hơn 5 đời. Trong Nhà thờ họ, các ban thờ thường được bố trí theo chiều ngang: Ban thờ vị tổ cao nhất bao giờ cũng được đặt tại gian chính giữa, ban thờ các vị tổ thấp hơn được bài trí đăng đối ở các gian hai bên.
Nhà thờ họ thường là công trình chuyên dụng để thờ tổ tiên, song cũng có một số Nhà thờ họ kết hợp hai chức năng: vừa để thờ, vừa để ở (do điều kiện kinh tế của dòng họ). Đối với những Nhà thờ họ kiểu này, việc thờ cúng tổ tiên được bố trí ở các gian giữa, chỗ để ở được bố trí hai bên gian hồi.
Tuy nhiên, đúng theo truyền thống thì Nhà thờ họ thường được xây tách riêng khỏi nhà ở, có thể nằm trên một mảnh đất riêng biệt, có thể nằm trên khuôn viên đất ở của vị trưởng họ. Việc bố trí mặt bằng của Nhà thờ họ phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện này.Chi tiết trang trí cửa chính nhà thờ họ Nguyễn - Cự Đà - Hà NộiĐối với kiểu Nhà thờ họ kết hợp để ở và Nhà thờ họ chung khuôn viên đất ở, việc bố trí mặt bằng sẽ phụ thuộc  khá nhiều vào nhu cầu sinh hoạt của những người sống ở đó. Còn đối với những nhà thờ họ có khuôn viên riêng biệt, việc quy hoạch mặt bằng sẽ dễ dàng hơn và có điều kiện để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phong thủy. Song dù thế nào đi nữa thì một nguyên tắc cơ bản luôn luôn phải tuân thủ trong bố cục Nhà thờ họ là nguyên tắc đăng đối qua trục thần đạo (trục tưởng tượng đi qua chính giữa nhà thờ).
Nguyên tắc đăng đối này bao trùm trong toàn bộ đồ án thiết kế nhà thờ họ: từ hình khối kiến trúc, trang trí trên kiến trúc, sắp xếp các ban thờ, bài trí nội thất đến bố trí sân vườn cảnh quan phía trước...Hướng và Thế trong phong thủy Nhà thờ họVề mặt phong thủy, có hai yếu tố luôn được quan tâm khi chọn đất xây dựng Nhà thờ họ là hướng đất và thế đất. Hướng đất thường hay được chọn là hướng Nam do đây là hướng “hè mát, đông ấm”, theo đạo Phật thì đây là hướng gắn với điều thiện và hạnh phúc, theo Nho giáo thì đây là hướng của thánh nhân: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về Nam nghe lời tâu của thiên hạ). Người Việt coi tổ tiên của mình như những thánh nhân luôn theo dõi và phù hộ độ trì cho con cháu nên nhà ở cũng thường quay hướng Nam. Tuy nhiên, ngày xưa quan niệm chọn hướng không quá phức tạp như hiện nay, nếu hướng Nam lại ở thế đất xấu thì cũng có thể quay hướng khác.Thế đất cũng là một yếu tố quan trọng để lựa chọn khi xây dựng Nhà thờ họ.
Thế đất tự nhiên được coi là đẹp khi lưng có thế tựa (phía sau cao hơn phía trước), hai bên có thế tỳ “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án. Khi thế đất tự nhiên không sẵn có các yếu tố cần thiết đó, người xưa có thể khắc phục bằng cách đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đắp đất trồng cây tạo thế tay ngai…Cũng như các loại hình kiến trúc truyền thống khác, vấn đề trang trí cũng được người xưa rất quan tâm khi xây dựng Nhà thờ họ.
Tuy nhiên, do quy mô đầu tư nhỏ nên trang trí trên kiến trúc Nhà thờ họ thường đơn giản, khiêm tốn hơn so với các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác của cộng đồng, đặc biệt là hầu như không có các trang trí bên ngoài công trình hoặc nếu có thì cũng được đơn giản hóa tới mức tối đa. Nếu như trên mái các đình, chùa thường có rồng, phượng, mặt trời, các con giống… được làm cầu kỳ, tinh xảo thì trên mái Nhà thờ họ cùng lắm chỉ có gạch hoa chanh, đấu nắm cơm và những chi tiết trang trí hết sức đơn giản.
Vì sao không chạm rồng 5 móng?Trang trí ở Nhà thờ họ chủ yếu tập trung bên trong công trình và phân thành hai loại chính: Thứ nhất là trang trí trên các cấu kiện kiến trúc (trang trí trên bất động sản), thứ hai là trang trí trên các đồ vật nội thất (trang trí trên động sản). Trang trí trên cấu kiện kiến trúc là những trang trí cố định không thể tháo rời nên thường có cùng phong cách nghệ thuật ở thời kỳ xây dựng, còn các vật dụng nội thất (như bàn thờ, hương án, hạc, lư hương, cửa võng, hoành phi, câu đối…) thường có sự bổ sung, thay đổi theo thời gian nên các trang trí trên mỗi vật dụng có phong cách khác nhau.
Trang trí trên cấu kiện kiến trúc xuất phát từ mục đích vừa làm đẹp vừa làm giảm sự thô mộc, nặng nề của cấu kiện gỗ, song tùy thuộc vào khả năng đầu tư mà mức độ trang trí có thể nhiều, ít khác nhau ở từng Nhà thờ họ. Trang trí trên kiến trúc Nhà thờ họ rất ít dùng hình tượng rồng mà hay sử dụng các hình tượng thuần túy mang tính trang trí (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…). Mặc dù vậy, một số nhà thờ của những dòng họ có người làm quan cũng trang trí hình rồng trên kiến trúc, nhưng rất hạn chế và các hình rồng này thường được cách điệu, biến tấu đi (trúc hóa rồng, mai hóa rồng, mây hóa rồng, lá hóa rồng, cá hóa rồng…).Sở dĩ có đặc điểm này là do các Nhà thờ họ truyền thống còn tồn tại đến nay chỉ có niên đại xây dựng từ cuối thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XX, khi mà Nho giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt. Theo quan niệm của Nho giáo thì rồng là biểu tượng cho tầng trên, đặc biệt là rồng có 5 móng chân tượng trưng cho Thiên tử.
Nhà thờ họ không phải là nơi thể hiện tính quyền lực, chính vì vậy rất ít sử dụng hình tượng rồng trên kiến trúc. Tuy vậy trên các đồ thờ vẫn thường được chạm rồng do quan niệm thần thánh hóa tổ tiên của người Việt, tất nhiên cũng chỉ được chạm rồng 4 móng mà không được chạm rồng 5 móng.Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, do những biến động của lịch sử mà ảnh hưởng của Nho giáo trong cuộc sống xã hội ngày càng mờ nhạt đi, các chế định xã hội và cộng đồng cũng lỏng lẻo dần trước những trào lưu văn hóa và những nhu cầu mới. Việc xây dựng Nhà thờ họ vì thế cũng không còn tuân thủ chặt chẽ những quan niệm và ước định vốn có mà trở nên  ngày càng đa dạng hơn về quy mô và kiểu thức kiến trúc. Từ giai đoạn này đã xuất hiện những Nhà thờ họ có bố cục mặt bằng phức tạp (chữ Nhị, chữ Đinh, chữ Công, tứ thủy quy đường…) và cả những Nhà thờ họ với các góc đao cong vút.
Cho tới tận ngày nay, nhu cầu xây dựng nhà thờ họ trong xã hội vẫn luôn tồn tại, song nhận thức về “cốt cách” của nhà thờ họ lại khá mơ hồ, thêm vào đó còn bị “nhiễu” bởi những quan niệm và nhu cầu của thời hiện đại. Chính vì vậy đã xuất hiện không ít Nhà thờ họ với phong cách lai tạp, rườm rà mang nặng tính phô trương, đánh mất đi “hồn cốt” của kiến trúc truyền thống Việt nói riêng và bản sắc văn hóa Việt nói chung.
Chắc rằng những điều đáng tiếc đó sẽ không xảy ra nếu trước khi bắt tay xây dựng Nhà thờ cho dòng họ, chúng ta để tâm tìm hiểu và chắt lọc những tinh túy trong suy nghĩ và cách làm của người xưa.
-- Sưu tầm --
Trong không gian các nhà từ đường, không thể thiếu một bức gia phả, một cuốn sổ gia phả dòng tộc.
Các bạn đọc xong nếu có nhu cầu xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về gia phả.

Dịch vụ thiết kế cây gia phả, thiết kế gia phả cho các dòng họ Việt nam


Email: Dichvugiapha@gmail.com
Mr Sơn: 0936375511